3 biện pháp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Nguyên giám đốc Bệnh viện K trung ương, Phó chủ tịch Hội phòng chống ung thư Việt Nam chia sẻ, ung thư cổ tử cung là bệnh phổ biến, đứng thứ hai (sau ung thư vú) trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ.

Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Ngược lại, ở các giai đoạn muộn, điều trị tốn kém, ít hiệu quả, chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Vì vậy, phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm rất quan trọng, chị em nên duy trì những biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe. Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. (Ảnh minh họa)

Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. (Ảnh minh họa)

Khám phụ khoa định kỳ

Do tâm lý chủ quan và còn e ngại nên rất nhiều phụ nữ không coi trọng việc đi khám phụ khoa định kỳ. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ mắc bệnh phụ khoa ngày một tăng cao hơn.

Khi khám phụ khoa, bác sĩ có thể sử dụng mỏ vịt (một dụng cụ để mở âm đạo) để quan sát cổ tử cung và lấy tế bào âm đạo làm xét nghiệm. Sau đó, bác sĩ có thể sẽ khám phụ khoa bằng tay, khám hạch bạch huyết vùng (hạch bẹn) để phát hiện dấu hiệu bất thường.

Trong quá trình khám phụ khoa, bác sĩ cũng hướng dẫn chị em đăng ký xét nghiệm tế bào học âm đạo nếu có dấu hiệu bất thường. Tiền ung thư và ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường không có triệu chứng và chỉ được phát hiện khi khám âm đạo và làm xét nghiệm vì vậy để bảo vệ sức khỏe cơ quan sinh dục, chị em nên khám phụ khoa ít nhất mỗi năm một lần.

Theo dõi dấu hiệu bất thường

Nếu chị em gặp những dấu hiệu bất thường nên đi khám phụ khoa hoặc sàng lọc ung thư cổ tử cung ngay. Những dấu hiệu gồm: ra máu âm đạo bất thường, ra máu âm đạo sau quan hệ tình dục, kkhí hư âm đạo màu vàng, có mùi khó chịu hoặc khí hư có nhầy máu, kinh nguyệt kéo dài, không đều, mệt mỏi và sút cân không rõ nguyên nhân

Những triệu chứng đau tức vùng bụng dưới, tiểu nhiều lần, khó chịu khi đi tiểu, đi tiểu, đi ngoài ra máu cũng là dấu hiệu ung thư xâm lấn bàng quang, trực tràng.

Ngoài ra, tất cả phụ nữ đều có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung nếu như có các yếu tố phơi nhiễm sau: đã có quan hệ tình dục hay quan hệ tình dục nhiều, sớm, hút thuốc, có nhiều bạn tình, có tiền sử bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes sinh dục. Nhờ sàng lọc ung thư cổ tử cung, nhiều bệnh nhân sớm phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả. (Ảnh minh họa).

Sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp bệnh nhân sớm phát hiện bệnh và điều trị hiệu quả. (Ảnh minh họa).

Tầm soát ung thư

Giáo sư Nguyễn Bá Đức cho rằng trong khoảng ba thập kỷ qua, tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể ở hầu hết các nước phát triển nhờ chương trình sàng lọc tốt. Hầu hết các nước khuyến cáo phụ nữ sau khi bắt đầu quan hệ tình dục 3 năm nên khám sàng lọc ung thư cổ tử cung mỗi năm một lần.

Phụ nữ từ 30 tuổi trở lên, sau khi đạt được 3 lần sàng lọc âm tính liên tiếp (xét nghiệm tế bào học cổ tử cung bình thường) có thể khám sàng lọc thưa hơn, 2-3 năm một lần. Những phụ nữ đã cắt tử cung bán phần cũng cần đi khám sàng lọc.

Chị em cần lưu ý khám sàng lọc sớm khi có nguy cơ ung thư cổ tử ung cao hơn như: đã bị ung thư vú, gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư cổ tử cung, có con muộn hoặc không sinh đẻ, dậy thì sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), dùng nội tiết tố thay thế ở thời kỳ mãn kinh...

Nha Trang