Chăm sóc tâm lý bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

GS.TS. Nguyễn Bá Đức, Nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tâm lý nhạy cảm, cần sự quan tâm của người thân và có thời gian nghỉ ngơi. Người nhà bệnh nhân cần lưu ý thực hiện những chỉ dẫn dưới đây.

Quan tâm đến tâm lý bệnh nhân

Những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối thường sợ rằng mình sẽ bị mọi người bỏ rơi và lãng quên. Thêm vào đó, quá trình điều trị bệnh làm cơ thể của người bệnh bị rụng tóc, da dẻ thâm sạm sẽ khiến họ tự ti. Họ tự cảm thấy mình đang dần trở nên vô dụng vì không thể tự chăm sóc bản thân, không giúp gì được cho gia đình và xã hội. Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần người thân quan tâm, chăm sóc. (Ảnh minh họa)

Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần người thân quan tâm, chăm sóc. (Ảnh minh họa)

Vì vậy, nếu người bệnh được người thân trong gia đình, bạn bè quan tâm sẽ phần nào vơi bớt đi nỗi sợ hãi. Họ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, được mọi người yêu thương sẽ là động lực giúp họ cố gắng chiến đấu với bệnh tật đến giây phút cuối cùng.

Để bệnh nhân tự do

Trong khoảng thời gian này, tâm lý của người bệnh rất bất ổn. Họ sẽ nghĩ rằng thời gian không còn nhiều nên muốn làm những điều thực sự có ích cho người thân cũng như xã hội. Vì vậy, gia đình nên động viên, tạo điều kiện cho người bệnh được tự do làm những gì mình mong muốn.

Nên khuyến khích người bệnh tự làm các công việc cá nhân nếu vẫn còn khả năng đi lại. Những buổi giao lưu với bạn bè, đi những chuyến đi gần hoặc ăn những món ăn yêu thích cũng là một trong những cách giúp người bệnh vơi đi những nỗi đau do căn bệnh ung thư gây ra.

Hạn chế làm việc căng thẳng, bận rộn

Khi bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối, sức khỏe không cho phép họ tiếp tục thực hiện những công việc còn đang dang dở. Dường như tất cả mọi việc đều phải gác lại để tập trung điều trị cho ung thư.

Bệnh nhân ung thư lúc này cần tự sắp xếp cũng như giải quyết những công việc còn lại của mình. Nếu không đủ khả năng để làm tất cả mọi việc, người bệnh có thể lên kế hoạch hoặc bàn giao lại những công việc cho người thân. Khi công việc đã được giải quyết và bàn giao xong xuôi, bệnh nhân sẽ bớt dằn vặt mình và cảm thấy thanh thản hơn.

Suy nghĩ tích cực và bình thản

Sau khi trải qua tất cả các giai đoạn tâm lý, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần bình tâm lại để suy nghĩ. Chuẩn bị tinh thần trong tâm thế sẵn sàng để chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, bệnh nhân sẽ không còn cảm thấy tiếc nuối điều gì nữa. Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối lúc này, việc được ở cạnh những người thân, được yêu thương và chăm sóc là điều mãn nguyện nhất.

Nha Trang